‘Tròng’ chính sách ‘thắt’ doanh nghiệp thủy nông [Bài 4]: Tàn tạ thủy nông Bắc Thái Bình

Sống và làm việc theo con nước, chẳng ngại hiểm nguy lúc ‘sóng cuộn, triều dâng’ nhưng từ khi thủy lợi chuyển sang dịch vụ, cuộc sống công nhân thủy nông khó khăn chồng chất.

Chỉ mong công trình được nâng cấp

Phản ánh tới Báo Nông nghiệp Việt Nam, nhiều năm gần đây, các công nhân thủy nông thuộc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Thái Bình bị cắt mất quỹ phúc lợi khiến đời sống đã chật vật nay càng khó khăn hơn, nhiều công trình xuống cấp không được tu bổ, sửa chữa, không đảm bảo điều kiện phục vụ sản xuất cũng như phòng, chống thiên tai.

Nhà điều hành trạm bơm Thái Học, xã Tân Học, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Quang Dũng. 

Nhà điều hành trạm bơm Thái Học, xã Tân Học, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Quang Dũng. 

Phóng viên đã đến với trạm bơm Thái Học, xã Tân Học, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình thuộc Cụm công trình thủy lợi của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Thái Bình. Trạm bơm hiện lên với một màu đen nham nhở bởi thời gian, mất đi lớp sơn vốn có. Căn nhà cấp 4 được sử dụng để làm nhà điều hành xuống cấp nghiêm trọng, bong tróc từng mảng sơn, cột xà nổ từng mảng lớn, phải vất vả lắm chúng tôi mới đọc được số 1985 là năm trạm bơm được đưa vào vận hành.

Chia sẻ về công việc của mình, ông Đinh Văn Duẩn, sinh năm 1964 là trạm trưởng, kiêm công nhân thủy nông Trạm bơm Thái Học cho biết: “Tôi công tác tại trạm từ năm 1985, cả trạm bơm có tổng cộng 8 máy bơm công suất 4000m3/h, công việc của tôi cũng như các anh em thủy nông khác không chỉ đơn thuần là bật tắt máy bơm, nâng hạ cửa cống mà còn phải làm dòng chảy, nhất là vào mùa mưa bão, những công việc này đều phải dựa vào con nước, thủy triều khi thì đêm tối, lúc buổi trưa, lúc sáng sớm. Ngoài ra, máy bơm giờ đã cũ quá rồi. Khi vận hành tôi cũng phải xin Cụm bố trí người trực để trông nom tránh sự cố đáng tiếc. Vì cả công trình giờ còn mỗi mình tôi cũng như mấy cây số bèo bồng”.

Ông Đinh Văn Duẩn công tác tại trạm bơm từ năm 1985, kiêm nhiệm cả trạm trưởng và công nhân thủy nông dù đang mắc bệnh hiểm nghèo. Ảnh: Quang Dũng. 

Ông Đinh Văn Duẩn công tác tại trạm bơm từ năm 1985, kiêm nhiệm cả trạm trưởng và công nhân thủy nông dù đang mắc bệnh hiểm nghèo. Ảnh: Quang Dũng. 

Về quỹ phúc lợi bị cắt giảm, ông Duẩn cho biết: ‘Thu nhập của tôi được nhận theo bậc là khoảng 5 triệu đồng, bây giờ giá cả thị trường tăng cao cuộc sống cũng chật vật hơn. Trước đây, công ty còn có quỹ phúc lợi để thưởng, động viên anh em bám trụ công trình, nhất là vào giai đoạn tết đến thêm được tháng lương thứ 13, 14, hoặc thăm hỏi động viên anh em công nhân đau yếu. Nhưng từ năm 2019 đến nay, khoản này của chúng tôi cũng không có, như tết năm vừa qua, rất may là mỗi người được thưởng 500 nghìn đồng”.

Dù đời sống khó khăn, chật vật như vậy, nhưng mong ước của những công nhân thủy nông như ông Duẩn là trạm bơm được duy tu sửa chữa để có cơ sở vật chất hiện đại hơn, máy móc vận hành trơn tru hơn, phục vụ bà con tốt hơn.

Ông Lê Hồng Nam Cụm trưởng Cụm thủy nông Thái Học cho biết, từ năm 2019 công ty cắt khoản quỹ phúc lợi nên những trường hợp như ông Duẩn rất thiệt thòi. Ảnh: Huy Bình. 

Ông Lê Hồng Nam Cụm trưởng Cụm thủy nông Thái Học cho biết, từ năm 2019 công ty cắt khoản quỹ phúc lợi nên những trường hợp như ông Duẩn rất thiệt thòi. Ảnh: Huy Bình. 

Ông Lê Hồng Nam – Cụm trưởng Cụm thủy nông Thái Học thuộc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Thái Bình cho biết: “Toàn Cụm có 13 cán bộ công nhân thủy nông, quản lý 6 cống và 1 trạm bơm cùng hơn 30km2 bèo bồng. Nhân sự thì ít mà trách nhiệm cùng khu vực phụ trách lại nhiều. Anh em thường xuyên làm đêm do phải tận dụng thủy triều, bà con lại chuyển đổi sang sạ lúa giống chứ không cấy như trước khiến việc lấy nước trở nên phức tạp hơn trước rất nhiều. Như trạm bơm Thái Học chỉ còn một mình bác Duẩn là trạm trưởng, kiêm luôn cả công nhân thủy nông. Bác Duẩn hiện đang mắc bệnh hiểm nghèo, Cụm cũng đã đề xuất bổ sung nhân sự và duy tu công trình đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng hiện Công ty vẫn chưa bố trí được do nguồn kinh phí thu hẹp”.

Chỉ mong được thu từ các dịch vụ thủy lợi khác

Theo ông Bùi Xuân Khả, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Thái Bình: Hiện nay Công ty đang quản lý, vận hành 366 cống nội đồng và 126 trạm bơm, trong đó có 11 trạm bơm tiêu phục vụ cho khoảng 150.000 ha ruộng đồng. Hầu hết các công trình thủy lợi được lập quy hoạch và đưa vào sử dụng từ những năm 80 của thế kỷ trước, đến nay đã xuống cấp, máy móc thiết bị đã lạc hậu, tài chính của công ty được ngân sách cấp quá thấp, chỉ bằng cấp bù theo cơ chể thủy lợi phí trong khi lương công nhân, giá điện, giá vật tư đều đã tăng cao, thu từ nguồn hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi phí không đủ các chi phí tối thiểu, không thu được chi phí thủy lợi từ các nhà máy nước sạch sử dụng nguồn nước thô trên địa bàn do cơ chế hỗ trợ của tỉnh”.

Ông Bùi Xuân Khả, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Thái Bình, từ năm 2019 công ty không còn kinh phí cho quỹ phúc lợi, chi phí duy tu, bảo trì không đủ để thực hiện sửa chữa lớn. Ảnh: Huy Bình. 

Ông Bùi Xuân Khả, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Thái Bình, từ năm 2019 công ty không còn kinh phí cho quỹ phúc lợi, chi phí duy tu, bảo trì không đủ để thực hiện sửa chữa lớn. Ảnh: Huy Bình. 

Cụ thể, từ năm 2019, sau khi Nghị định 96/2018 bắt đầu có hiệu lực, chuyển đổi cơ chế thủy lợi phí sang giá dịch vụ công ích thủy lợi, ngân sách nhà nước hỗ trợ không thay đổi so với mức cấp bù miễn thu thủy lợi phí từ năm 2012. Trong khi đó, chi phí cấu thành giá hằng năm đều tăng. Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Thái Bình đã không còn kinh phí chi trả cho quỹ phúc lợi, khen thưởng, đặc biệt là không còn chi phí thưởng tết cho người lao động.

Công trình cống Thuyền Quang được xây dựng từ thời Pháp nhưng hàng năm cũng chỉ thực hiện duy tu nhỏ không đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng như phục vụ dịch vụ công ích thủy lợi. Ảnh: Huy Bình. 

Công trình cống Thuyền Quang được xây dựng từ thời Pháp nhưng hàng năm cũng chỉ thực hiện duy tu nhỏ không đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng như phục vụ dịch vụ công ích thủy lợi. Ảnh: Huy Bình. 

Theo ông Khả, căn cứ kế hoạch sản xuất và dự toán thu chi năm 2023 đã được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt, Công ty chỉ được chi khoảng 1,6 tỷ đồng cho tu bổ, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo công trình. Trong khi đó, trước biến đổi khí hậu, nhiều công trình do công ty quản lý có vị trí gần biển có độ ăn mòn cao, hầu hết các công trình có thời gian phục vụ lâu, thậm chí có những công trình được xây dựng từ thời Pháp, xuống cấp, không đảm bảo cho quá trình vận hành. Đơn cử như trạm bơm Thái Học, vận hành từ năm 1985 nhưng đến nay việc sửa chữa chỉ có thể thực hiện “chắp vá”.

Việc giải phóng bèo bồng, đảm bảo thông suốt đường kênh chỉ có thể thực hiện dựa vào thủy triều. Ảnh: Huy Bình. 

Việc giải phóng bèo bồng, đảm bảo thông suốt đường kênh chỉ có thể thực hiện dựa vào thủy triều. Ảnh: Huy Bình.

Mặt khác, để thực hiện nhiệm vụ thủy lợi đa mục tiêu, ngoài các khoản thu cố định, các khoản thu từ chi phí thủy lợi khác cũng đang tồn tại nhiều bất cập khiến công ty mất đi nguồn thu. Cụ thể, Công ty đang cung cấp nước thô cho 1 nhà máy và 15 nhà máy nước sạch. Tuy nhiên, hiện chỉ được thu tiền của nhà máy công nghiệp. Do theo quy định của tỉnh Thái Bình hỗ trợ nước nguồn cho các nhà máy nước sạch để phục vụ công ích nên Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Thái Bình không được thu tiền của các nhà máy này. Trong khi đó, Công ty vẫn phải đảm bảo, đáp ứng bơm nước nguồn cho các nhà máy này hoạt động.

Ông Khả cho biết: ‘Nếu cho chúng tôi thu của các công ty nước sạch theo mức phí của nhà nước quy định trước đó là 900 đồng/1m3 thì mỗi năm công ty sẽ có thêm khoảng 15 tỷ đồng để bù vào các chi phí duy tu sửa chữa cũng như chăm lo tốt hơn cho người lao động trong công ty. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã có đề xuất và mong muốn Bộ NN-PTNT và Bộ Tài chính sớm phê duyệt giá thủy lợi, dịch vụ thủy lợi”.

Công ty nước sạch nằm ngay sát trạm bơm Thái Học. Ảnh: Huy Bình. 

Công ty nước sạch nằm ngay sát trạm bơm Thái Học. Ảnh: Huy Bình.

Sự không đồng nhất giữa các văn bản hướng dẫn thực hiện đã khiến Nghị định 96/2018/NĐ-CP về chi phí bảo dưỡng định kỳ, sửa chữa định kỳ hay về các khoản chi phí thực tế phát sinh nhưng không được tính trong cơ cấu giá, về trích lập hai quỹ khen thưởng, phúc lợi… có nhiều điểm không thống nhất với các thông tư của Bộ Tài chính đưa ra.

Đơn cử, theo điểm b, khoản 2, Điều 3 của Nghị định số 96/2018/NĐ-CP, chỉ được tính chi phí khấu hao tài sản cố định trong giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi bao gồm: Phương tiện vận tải, thiết bị truyền dẫn, trang thiết bị, hệ thống thông tin quản lý vận hành và máy móc thiết bị quản lý dùng trong văn phòng. Như vậy, chi phí khấu hao đối với tài sản là nhà cửa, vật kiến trúc không được tính giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi. Trong khi đó, theo quy định tại khoản 6, Điều 7, Thông tư số 73/2018/TT-BCT ngày 15/8/2018 của Bộ Tài chính lại quy định: Việc khấu hao tài sản cố định của đơn vị khai thác công trình thủy lợi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 45/2013/TT-BTC…

Đến nay, hầu hết các công trình thủy lợi đều phục vụ đa mục tiêu, bao gồm cả cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi và sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác. Do đó, cần phân bổ rạch ròi chi phí cho từng loại sản phẩm, đảm bảo nguyên tắc tính giá đối với các loại sản phẩm này phải khác nhau. Bên cạnh đó, đối với sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, hiện vẫn được Nhà nước hỗ trợ theo cơ chế mức hỗ trợ không vượt giá tối đa do Bộ Tài chính quy định, mà giá tối đa lại phụ thuộc ngân sách nhà nước.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *